Người xưa tin rằng nền văn minh Trung Hoa là nền văn minh Thần truyền. “Văn hóa Trung Hoa là một nền văn hóa Thần truyền. Dù là y thuật, võ học, chữ viết hay thuật phong thủy thì đều là do Thần truyền cấp.”
Dương Long Phi là một võ sư thuộc trường phái Sơn Tây Đường Lang Quyền. Ông là giám khảo của cuộc thi Võ thuật quốc tế do đài truyền hình NTD tổ chức. Ông cho biết, võ học Trung Hoa không chỉ là các kỹ thuật đối kháng mà còn có hàm nghĩa thâm thúy. “Trong võ thuật, ngoài việc luyện tập thân thể, người ta còn cần nâng cao đạo đức. Chỉ khi đạo đức của bản thân được nâng cao thì người tập võ mới có thể phát triển được đồng thời các kỹ thuật bên ngoài và tiềm năng bên trong. Chỉ cường thân kiện thể thì chưa phải là võ đạo đích thực.” Hàm nghĩa của võ đạo cho thấy mối liên hệ thâm sâu giữa võ học Trung Hoa với các tín ngưỡng truyền thống. “Dù là Thiếu Lâm Tự hay Võ Đang đạo quán, quá trình tu luyện tâm linh của họ cũng đi kèm việc tập luyện các bộ võ thuật.
Đã có rất nhiều truyền thuyết lưu truyền từ đó đến nay. Các câu chuyện lưu truyền trong dân gian cũng cho thấy võ thuật đều bắt nguồn từ hai nhà Phật Đạo.” Rất nhiều câu chuyện vẫn còn tồn tại tới ngày nay, ví dụ như chuyện về Bồ Đề Đạt Ma vượt sông Dương Tử bằng một cọng lau, hay chuyện ngài ngồi thiền quay mặt vào vách trong chín năm trước khi dạy Công phu cho các tăng nhân tại Thiếu Lâm Tự. Thậm chí các từ dùng trong võ học Trung Hoa cũng mang nhiều hàm nghĩa. “Từ xa xưa, chữ ‘Võ’ hay ‘Vũ’ (武) trong tiếng Trung Hoa gồm hai thành phần. Phần phía dưới có nghĩa là chặn đứng hay dừng lại. Phần phía trên là Ge (đọc: Gơ), có nghĩa là giáo mác, một loại vũ khí thời xưa. Như vậy, ‘Vũ’ lại có hàm nghĩa là ngừng tranh đấu, ngừng mâu thuẫn. Võ học chân chính là nâng cao đạo đức con người, chứ không phải là đánh nhau hoặc tranh đấu với người khác.”
Võ sư Dương Long Phi đã từng tập theo các đường lối võ công ngoại gia mà không chú trọng vào đạo đức, cho đến một ngày ông gặp được một bậc thầy võ đạo của trường phái Sơn Tây Đường Lang Quyền. Đó là vào năm 1997. “Vào lúc đó, vị sư phụ này đã 62 tuổi. Tôi đã rất ngạc nhiên trước thể chất của ông tại tầm tuổi đó. So với người ở tuổi tráng niên như tôi, tôi cảm thấy xấu hổ. Tôi liên tục tung ra các cú đấm và đá nhanh khi thi đấu, nhưng bất cứ khi nào gần chạm tới ông, động tác của ông lại đột ngột thay đổi, khiến cho tất cả đòn đánh của tôi đều trượt. Chỉ một lúc sau, tôi đã kiệt sức. Tất cả các thế võ và kỹ thuật của tôi không thể bì được với ông. Tôi nhận ra rằng mình đang thiếu một đường lối chân chính.” Vì vậy, Dương Long Phi đã chăm chỉ theo học vị võ sư này. “Tôi nhận ra rằng thân thể người ta trong khi tập võ cần phải thư thái. Cũng nhờ thế, một sự thay đổi lớn và tinh tế sẽ xảy ra trong từng thế võ cũng như trong quá trình chuyển biến giữa các thế võ. Điều này chính là tinh túy của võ đạo Trung Hoa.” Ông Dương Long Phi mong muốn sẽ làm hồi sinh giá trị cốt lõi này và giúp công chúng trải nghiệm nền văn hóa Thần truyền đích thực của Trung Hoa.