Phong khí uống trà ở Trung Quốc thịnh hành sau triều Hán, nhưng chỉ là thức uống dành cho tầng lớp trên. Thời Đường, phong khí uống trà được nâng cao về cả các chủng loại, việc thưởng thức và nghệ thuật uống trà, tạo thành một nền văn hoá trà đích thực.
Người thời Đường pha trà còn thêm hành, tỏi, muối, bạc hà, vỏ cam quýt, táo. Các văn nhân nho sĩ uống trà như một sự thưởng thức nghệ thuật. Trong quá trình uống trà, họ không những bình phẩm về trà mà còn nhờ hội trà mà sáng tác thơ phú, bình luận về thời thế. Cổ nhân còn coi việc uống trà là một sự lu dưỡng đạo đức cá nhân và cần phải có bạn trà để cùng thưởng thức. Thơ văn viết về trà trở thành một môn nghệ thuật phổ biến ở Trung Quốc. Từ thời Minh, người Trung Quốc bắt đầu sao, sấy trà và để trà rời chứ không kết thành bánh như trước nữa. Ngày nay người Trung Quốc chỉ dùng búp trà để pha.
Phong cách uống trà và pha trà của người Trung Quốc thật giống như một hình thức nghệ thuật. Mùi vị của trà là điều quan trọng. Chén dùng để uống trà là loại chén nhỏ chứa được khoảng 2 ngụm nước. Ấm pha trà thường được làm bằng đất sét tráng men. Lượng trà dùng để pha không nên dùng nhiều quá mà cũng không nên dùng ít quá. Nhiệt độ của nước pha trà phải căn cứ vào từng loại, có loại cần nước thật nóng nhưng có loại chỉ cần nước đủ ấm, có loại phải để ngấm mới uống nhưng cũng có loại không cần để ngấm lâu. Nắm được bí quyết đó cho nên người Trung Quốc rất biết cách pha trà.